Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Sinh hoạt Chi Bộ tháng 7: trao đổi về lịch sử dân tộc

Tuần vừa qua, tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, các Đảng viên Chi Bộ sinh viên 1 đã có thời gian học tập, trao đổi các kiến thức về lịch sử đất nước. Trong đó, Chi Bộ đặc biệt quan tâm đến các phong trào thi đua yêu nước của toàn dân. 
Chi Bộ SV 1 tham quan Bảo tàng lịch sử Việt Nam

Nhân dịp kỉ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua yêu nước (11/6/1948 - 11/6/2013), các Đ/c Đảng viên Chi Bộ sinh viên 1 cùng ôn lại truyền thống các phong trào thi đua yêu nước gắn với từng thời kì của lịch sử dân tộc, bổ sung thêm các kiến thức về nguồn gốc ra đời và ý nghĩa lời kêu gọi của Bác. Từ đó không ngừng cố gắng rèn luyện, học tập, tu dưỡng, thi đua gặt hái nhiều thành tích trong lao động và thực hiện nhiệm vụ chính trị của cá nhân.


TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ THI ĐUA YÊU NƯỚC:
Vận dụng sáng tạo, những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về thi đua, thi đua xã hội chủ nghĩa vào hoàn cảnh nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Coi tổ chức thi đua là cách tốt nhất để khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam, biến thành sức mạnh, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong bảo vệ Tổ quốc.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Thi đua yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. Thi đua phải được tổ chức trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và phải thực hiện thường xuyên, lâu dài, rộng khắp. Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp phải tuyên truyền, giải thích, động viên cho mọi người tự nguyện, tự giác tham gia phong trào thi đua với kế hoạch, mục tiêu cụ thể, rõ ràng; đồng thời, phải có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng kết phong trào thi đua. Khéo léo đề ra được tên phong trào với những khẩu hiệu hành động, tuyên truyền sắc bén, sát đúng với tình hình, nguyện vọng, lợi ích của quần chúng nhân dân, phù hợp với yêu cầu thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Cán bộ, đảng viên phải tích cực vận động quần chúng, đi đầu làm gương cho mọi người. Tích cực phát hiện điển hình, phổ biến những kinh nghiệm, nêu gương khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua.
Phải kết hợp chặt chẽ thi đua với khen thưởng “ Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. Cần nhanh chóng biểu dương những tấm gương “người tốt việc tốt”. Đảng lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước: “Lãnh đạo phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng điểm và nắm điển hình”.

MỘT SỐ PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC

       1. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước. Ngoài chiến trường, các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi, diệt giặt đói, diệt giặt dốt… Khẩu hiệu “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương” “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”…

2. Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954 – 1975), sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết về “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước” (26/01/1961), hàng loạt cuộc phát động hưởng ứng thi đua của các ngành, các giới đã được tổ chức, điển hình là các phong trào: Thi đua trong nông nghiệp với lá cờ đầu là Hợp tác xã Đại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), phong trào thi đua của Nhà máy cơ khí Duyên Hải, Hải Phòng, phong trào thi đua “Hai tốt” (Dạy tốt, học tốt) theo tấm gương điển hình của Trường Phổ thông Cấp II Bắc Lý (Lý Nhân, Hà Nam)…

3. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quân và dân miền Bắc: đẩy mạnh phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai” Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, cả nước dấy lên phong trào thi đua: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tay búa, tay súng”, phong trào “Ba sẵn sàng”, “5 xung phong” trong thanh niên, “Ba đảm đang” trong phụ nữ…
Cùng với các phong trào thi đua xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ở miền Nam các phong trào thi đua “Bám đất giữ làng” “Một tất không đi, một ly không dời”, phong trào “Giết giặc lập công” cũng đã phát triển rộng khắp.

4. Trong thời kỳ đất nước thống nhất, tập trung xây dựng Chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước:
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các phong trào thi đua hướng vào các nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tiêu biểu là các phong trào: “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”; “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước (1986), từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, khẩu hiệu thi đua của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhiều phong trào được phát động và thực hiện có hiệu quả như: “Chuyên dịch cơ cấu kinh tế”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Vì an ninh của Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”…
Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương